Phòng viêm đường hô hấp khi chuyển mùa

Mùa lạnh, nhất là mưa, lạnh, ẩm, rét bệnh đường hô hấp trên (tai, mũi, họng, xoang) dễ xuất hiện và tái phát, trong đó viêm họng, mũi, xoang thường xuất hiện rõ nét nhất. Vì vậy, mùa lạnh đang đến cần chú ý đề phòng.

Thời tiết luôn thay đổi thất thường, trong khi đó, sự thích ứng của con người có hạn. Nhiều khi sự thay đổi thời tiết nhanh quá, cơ thể con người thích ứng không kịp nhất là những người có cơ địa dị ứng, sức yếu (trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, người già, người suy giảm miễn dịch). Một số người do ăn uống kham khổ, quần áo, chăn đệm còn thiếu hoặc không đáp ứng được sự giá rét của lạnh, do đó bệnh viêm họng mũi, xoang dễ xuất hiện. Mặt khác, trong không khí có vô số tác nhân gây bệnh (khói, bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, khí lạ, chất hóa học, vi sinh vật gây bệnh...) có thể xâm nhập đường hô hấp trên bất cứ lúc nào khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu gây nên viêm họng, mũi, xoang dị ứng hoặc nhiễm khuẩn.bệnh viêm mũi xoang

Khi có dấu hiệu bệnh viêm mũi xoang cần đi khám để được tư vấn dùng thuốc đúng. Ảnh: TM

Biểu hiện viêm mũi, họng, xoang mùa lạnh

Ở những người có cơ địa dị ứng, niêm mạc mũi, họng, xoang rất nhạy cảm với các chất gây dị ứng, thêm vào đó thời tiết lạnh, ẩm sẽ xuất hiện phản ứng quá mẫn như viêm mũi, họng, xuất tiết, ngứa (ngứa mũi, họng), rát họng. Vì mũi, họng, xoang liên thông với nhau, do đó, một bộ phận bị bệnh rất dễ lan sang các bộ khác.

Biểu hiện của viêm mũi, họng, xoang thường gặp nhất là hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, rát họng, đau nhức vùng mũi, vùng xoang, đau đầu, đau 2 bên thái dương... Trong những trường hợp viêm họng, xoang nhiễm khuẩn thường có biểu hiện sốt (có thể sốt rất cao trong viêm họng cấp do lạnh đột ngột). Với những người bệnh bị viêm mũi, họng, xoang dị ứng, về mùa lạnh bệnh rất dễ tái phát và sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập cũng như giao tiếp, nhất là các trường hợp viêm mũi, xoang dị ứng gây chảy nước mũi, hắt hơi liên tục. Các triệu chứng của viêm mũi, họng có thể tự hết nhưng có thể kéo dài và lan sang xoang gây viêm xoang nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt là viêm mũi, họng nhiễm khuẩn.

Nguyên tắc điều trị như thế nào?

Khi bị viêm mũi, họng, xoang cần đi khám bệnh để được điều trị ngay từ đầu. Người bệnh không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị, bởi vì, có nhiều loại thuốc điều trị viêm mũi, họng, xoang, nếu không có chỉ định của bác sĩ, tự mua theo sự mách bảo của người khác không có chuyên môn về y học sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ, thuốc chống dị ứng chlopheniramin, nếu dùng cho người có bệnh hen sẽ làm bệnh hen tăng lên do thuốc có tác dụng làm co thắt phế quản hoặc thuốc đó, dùng cho người bị tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến sẽ gây bí tiểu.

Để phòng bệnh

Lúc chuyển mùa, nhất là lạnh, rét, ẩm, trước tiên phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt vùng cổ. Vì vậy, khi ra khỏi nhà, đi ra đường nên đeo khẩu trang nhằm giữ ấm cho mũi và hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi sinh vật. Cổ cần quàng khăn ấm, tay đi găng, chân đi tất và tốt nhất là có giầy. Mùa lạnh, rét cần tắm, rửa bằng nước ấm, ngay cả khi đánh răng. Cần tắm trong buồng kín gió, tránh gió lùa. Trước khi tắm cần chuẩn bị sẵn khăn lau người và quần áo sạch để sau khi tắm xong, nhanh chóng lau khô người và mặc quần áo ngay.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hằng ngày cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Nên tập thói quen súc họng bằng nước muối nhạt (nước muối sinh lý 0,9% là tốt nhất) trước khi đi ngủ buổi tối; không nên ăn các loại thức ăn, đồ uống lạnh, nguội. Cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tạo kháng thể tốt chống lại sự viêm nhiễm mỗi khi thời tiết chuyển mùa.

Bệnh viêm mũi, xoang có thể gặp ở tất cả các mùa, nhưng với mùa lạnh sẽ gây ra cảm giác khó chịu nhiều hơn bởi các triệu chứng trở nên kéo dài hơn và sự tái phát cũng diễn ra nhanh hơn. Mũi là cửa ngõ đầu tiên của cơ thể khi tiếp xúc với dòng không khí mang hơi lạnh hoặc hanh khô, vì vậy, mũi là cơ quan “đứng mũi chịu sào” đầu tiên khi gặp không khí lạnh và các tác nhân gây bệnh có ở trong đó, với nhiệm vụ điều tiết, làm ấm, ẩm không khí trước khi chúng đi sâu vào trong và xuống đường hô hấp dưới (thanh, khí quản, phế quản, phổi).

BS. Việt Thanh