Ðừng để sâu răng gây hậu quả đáng tiếc cho trẻ

Nguyên nhân gây bệnh sâu răng thường gặp ở trẻ em

Như chúng ta đã biết, sâu răng là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó nhiều nhất là trẻ em. Bệnh thực chất là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa chất vô cơ (tinh thể can-xi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra.

Có 3 nguyên nhân gây ra bệnh sâu răng ở trẻ em là: vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian. Vi khuẩn luôn tồn tại trong miệng. Còn đường thường tồn tại từ 20 phút đến khoảng 1 giờ trong miệng sau khi ăn, tùy thuộc vào hình thức chế biến trong thức ăn. Vi khuẩn gây bệnh sâu răng tồn tại và bám trên bề mặt răng nhờ lớp mảng bám răng. Vi khuẩn sử dụng đường trong thức ăn và đồ uống để tạo và phát triển các mảng bám răng.

Một nguyên nhân quan trọng nữa là do bản chất của răng: Chất lượng men răng và ngà răng phụ thuộc vào hàm lượng các chất vô cơ, hữu cơ, trong đó đặc biệt là canxi. Ngoài ra có flour có tác dụng bảo vệ men răng rất tốt, những trẻ có chất lượng men răng và ngà răng tốt sẽ ít có nguy cơ sâu răng hơn trẻ khác. Bên cạnh đó, trong quá trình ăn uống nếu không đủ canxi, kẽm cũng là nguyên nhân gây sâu răng.

Ðừng để sâu răng gây hậu quả đáng tiếc cho trẻNguyên nhân gây ra bệnh sâu răng ở trẻ em là vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian.

Biểu hiện khi xuất hiện sâu răng ở trẻ em

Bình thường, bệnh sâu răng có tốc độ phát triển tương đối chậm, mất khoảng từ 2-4 năm để ăn sâu từ bề mặt lớp men răng đến lớp ngà răng. Khoảng từ 6 tháng cho đến 1 năm đầu, bệnh thường tiến triển mà không tạo lỗ trên bề mặt răng. Có thể chỉ là những đốm trắng đục hoặc nâu trên mặt nhai hoặc ở kẽ giữa hai răng. Do đó mọi người thường không nhận thấy. Khi lỗ sâu còn nông thì không đau. Chỉ đến khi lỗ sâu lớn, ăn vào lớp ngà răng thì mới thấy đau với cường độ nhẹ.

Hậu quả khi trẻ bị sâu răng sớm

Sâu răng gây đau, khó chịu, giảm cảm giác thèm ăn ở trẻ. Nếu bố mẹ không cho trẻ đi điều trị sớm, nhiễm khuẩn sẽ lan tới tủy dẫn tới viêm tủy và áp-xe. Vi khuẩn cũng có thể tác động tới mầm răng vĩnh viễn ở trong xương ổ răng thông qua các chân răng sữa. Khi tình trạng trở nên trầm trọng, viêm nhiễm sẽ lan ra xung quanh, gây đau và sưng má. Lúc này trẻ cần tới những phương pháp điều trị phức tạp, thậm chí là nhổ răng sữa. Nó sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về chức năng nhai, nói, ảnh hưởng tới việc mọc răng vĩnh viễn và thẩm mỹ khuôn mặt cũng như mất tự tin khi giao tiếp.

Cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ mỗi ngày

Bắt đầu từ khi trẻ sinh ra, bố mẹ nên dùng miếng gạc, vải, cotton hoặc khăn được làm ẩm với nước muối sinh lý 0,9% để lau miệng cho trẻ; lau sạch các răng phía trước khi chúng mọc lên. Khi các răng hàm sữa mọc hết, sử dụng bàn chải có lông mềm để đánh răng hàng ngày. Nếu trẻ đã biết cách nhổ nước bọt, hãy để trẻ tự đánh răng bằng kem đánh răng có flour (với một lượng nhỏ bằng hạt đậu) vào mỗi sáng và buổi tối trước khi đi ngủ. Bố mẹ nên kiểm soát việc chải răng lại cho trẻ vào buổi tối.

Thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các tổn thương răng và điều trị kịp thời, trám bít hố rãnh các răng hàm sữa để phòng sâu răng. Cần vệ sinh răng miệng đúng cách và thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng. Ăn uống đầy đủ canxi và các yếu tố vi lượng tốt cho răng.

BS. Ngô Mỹ Hà

Chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp

Các triệu chứng thường gặp ở bệnh viêm đường hô hấp

Triệu chứng, thường gặp nhất là sốt, dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất. Sốt trong các bệnh của viêm đường hô hấp trên thường là sốt cao và thành cơn, thân nhiệt có thể tăng cao 39 - 40 độ C. Kèm theo sốt, trẻ thường nhức đầu, viêm kết mạc mắt, sợ ánh sáng, mắt đỏ, đau, ngứa và chảy nước mắt, hơi thở hôi, đau cơ, mệt mỏi, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy... Thông thường các triệu chứng trên sẽ cải thiện sau 7 - 10 ngày, trẻ sẽ nhanh chóng hồi phục.

Sổ mũi và chảy nước mũi, với đặc điểm dịch nhiều, trong, loãng, không có mủ và không có mùi hôi. Ho cũng là triệu chứng xuất hiện hầu hết trong các bệnh viêm đường hô hấp trên, ho thành cơn hay ho khan, ho có đờm.

Khó thở là một triệu chứng không đặc thù của viêm đường hô hấp trên. Khó thở thường là triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp dưới nhưng trong trường hợp đứa trẻ bị viêm thanh quản thì bé có thể sẽ bị khó thở. Khó thở là triệu chứng rất ít gặp nhưng đã gặp thì thường là dấu hiệu của bệnh nặng, bé phải thở rít, thở khò khè... Sau đợt cấp, nếu không chữa trị không tốt bệnh chuyển sang viêm đường hô hấp trên mạn tính, với triệu chứng thường là ho, rát họng, nuốt thấy hơi vướng trong họng, nghẹt mũi do hiện tượng phì đại cuống mũi. Một số trẻ nước mũi chảy thường xuyên một hoặc cả hai bên mũi. Một số trẻ em bị VA mãn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh, trường hợp gây viêm xoang thì kèm theo triệu chứng đau đầu.

cham-soc-tre-bi-viem-duong-ho-hap

Chăm sóc trẻ bị viêm đường hô hấp

Chăm sóc và điều trị tại nhà: với các trường hợp nhẹ và không có biến chứng, cần cho trẻ ăn uống bình thường, tránh kiêng cữ quá mức, tăng cường rau xanh và cho trẻ uống nhiều nước hoa quả. Có thể dùng những thuốc hạ sốt thông thường như: Panadol, Efferalgan, Tylenol… kết hợp với dùng nước ấm lau mát để hạ sốt cho trẻ. Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi và làm thông mũi bé trước khi cho ăn, cho bú.

Trường hợp bé ho có thể cho bé uống thuốc ho dạng thảo dược để làm dịu cơn ho, các thuốc ho dạng khác cần sự chỉ định của bác sĩ. Theo dõi nhiệt độ hàng ngày, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối 9‰ để tránh nhiễm khuẩn... Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay khi các dấu hiệu nặng lên như: sốt cao, ho nhiều, nôn ói kéo dài, tiêu chảy nặng, có các dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt…

Về phòng bệnh: cần có giải pháp phòng bệnh cho bé ngay từ đầu và việc làm này cần làm thường xuyên khi thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa. Trước tiên, cần tạo cho bé miễn dịch chủ động như thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng quốc gia, trẻ mới sinh ra cần tận dụng nguồn dinh dưỡng quý giá từ sữa mẹ. Cần vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý. Giữ ấm cổ cho trẻ khi ngủ. Giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ. Người lớn khi tiếp xúc với trẻ thì phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng sát khuẩn. Không nên mở rộng ngay cửa sổ, cửa phòng lúc sáng sớm vì gió sáng lạnh, có thể thổi vào người trẻ khiến bị ho, viêm họng.

Luôn trang bị khẩu trang cho trẻ khi ra đường. Người tiếp xúc với bé cần dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi, sổ mũi. Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh. Hạn chế cho trẻ ra ngoài đường vào những ngày thời tiết chuyển mùa, tạo thói quen cho trẻ uống nước ấm vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy để cổ họng bé không bị khô.

Khi trẻ gặp phải các triệu chứng về hô hấp, nên khai thông đường hô hấp trên, làm sạch chất nhầy trong mũi và sát khuẩn họng bằng phương pháp xịt phun sương trực tiếp nước biển sâu có chứa khuynh diệp, bạc hà vào mũi họng và không quên bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để chủ động tăng sức đề kháng cho bé.

BS.CKI. TRẦN QUỐC LONG

Thời tiết chuyển mùa, bệnh mề đay tái phát

Mề đay là tình trạng trên da nổi lên từng đám sẩn mụn nhiều hoặc ít, từng đám, không đều, màu hồng hoặc xanh trắng và rất ngứa. Bệnh thường xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng với thời tiết lạnh (dị ứng thời tiết), nhất là lúc chuyển mùa từ nóng sang lạnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây nên bệnh mề đay rất phức tạp nhưng chủ yếu là do yếu tố cơ địa dễ nhạy cảm với các yếu tố kích thích như nóng, lạnh đột ngột, một số thức ăn, phấn hoa, vi khuẩn, vi nấm, giun sán, ký sinh trùng (mò mạt…) hoặc do tăng tiết chất cholin và ngay cả với một số loại thuốc Đông y hoặc Tây y. Ngoài ra, bệnh mề đay có thể do di truyền (bố, mẹ mắc bệnh mề đay). Sự xuất hiện bệnh mề đay là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ (dị nguyên).

Thời tiết chuyển mùa, bệnh mề đay tái phát

Biểu hiện của bệnh

Bệnh mề đay thường có 2 loại, cấp tính và mạn tính.

Mề đay cấp tính thường xảy ra đột ngột và xuất hiện ở bất kỳ trên vùng da nào, niêm mạc nào của cơ thể. Đầu tiên xuất hiện các nốt sẩn có màu hồng hoặc đỏ, phù nề, ngứa. Ngứa là triệu chứng điển hình nhất của mề đay và chính ngứa làm cho người bệnh rất khó chịu, đặc biệt là trẻ nhỏ nên người bệnh phải gãi nhiều. Ngứa rất dữ dội, càng gãi càng ngứa, thậm chí gãi chảy máu vẫn không đỡ ngứa. Nốt sẩn, ngứa có khi chỉ ở một vùng da nào đó trên cơ thể, có khi cả đám rộng nhưng có khi chỉ rải rác. Nốt sẩn, ngứa kéo dài vài, ba phút đến vài, ba giờ rồi lặn nhưng cũng có trường hợp mề đay kéo dài cả tuần không tự khỏi. Một số trường hợp bệnh nặng, ngoài sự biểu hiện ở da chúng còn có thể xuất hiện ở niêm mạc đường tiêu hóa gây đau quặn bụng, nôn, ỉa chảy.

Ngứa là triệu chứng điển hình nhất của mề đay

Mề đay mạn tính thường xảy ra kế tiếp nhau nhiều lần trong tuần, trong tháng hoặc trong năm, đôi khi cách quãng nhưng đôi khi xảy ra liên tiếp trong nhiều ngày. Biểu hiện của mề đay mạn tính có khi chỉ một số nốt mẩn, ngứa trên da nhưng có khi là rất nhiều nốt mẩn ngứa tạo thành một mảng hoặc nhiều mảng trên các vùng da khác nhau có hình loang lổ giống như da của hổ (hiện tượng vằn da hổ). Mề đay mạn tính gặp ở nhiều dạng khác nhau như dạng thành vòng, dạng thành vạch, dạng xuất huyết, dạng mụn nước. Điều đặc biệt của mề đay mạn tính là xuất hiện dạng phù Quincke (sưng mặt, mí mắt, môi, bộ phận sinh dục ngoài). Phù Quincke xảy ra đột ngột và kéo dài vài giờ.

Biến chứng

Bệnh mề đay nếu không điều trị dứt điểm có thể gãi nhiều làm nhiễm trùng da gây lở loét, sau khi khỏi bệnh thường để lại sẹo. Trong một số trường hợp đặc biệt bệnh mề đay có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Bởi vì, bệnh mề đay cũng có thể xảy ra ở tổ chức não gây phù não hoặc xảy ra ở đường hô hấp như thanh - khí quản gây phù nề, khó thở cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng.

Sự xuất hiện bệnh mề đay là do phản ứng quá mẫn giữa kháng thể có sẵn trong cơ thể khi gặp kháng nguyên lạ

Việc chẩn đoán bệnh mề đay không khó, chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Tuy vậy, việc chẩn đoán nguyên nhân gây nên bệnh mề đay còn gặp không ít khó khăn, bởi vì các loại dị nguyên gây nên bệnh rất đa dạng kèm theo đó là yếu tố cơ địa hoặc di truyền.

Nguyên tắc điều trị

Mề đay có thể gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính, vùng, miền. Vì vậy, khi nghi ngờ bị bệnh mề đay nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt để được xác định, điều trị và đề phòng biến chứng xảy ra, tốt nhất là khám chuyên khoa dị ứng- miễn dịch hoặc chuyên khoa da liễu. Nếu xác định được nguyên nhân, việc chỉ định điều trị sẽ thích hợp, đồng thời sẽ được điều trị triệu chứng và phòng tái phát cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Từ ngày phát minh ra thuốc kháng histamin nhất là các loại kháng histamin tổng hợp, việc điều trị các bệnh dị ứng, đặc biệt là bệnh mề đay có hiệu nghiệm hơn rất nhiều. Tuy vậy, thuốc kháng histamin có nhiều tác dụng phụ, người bệnh không nên tự mua thuốc để điều trị hoặc nghe theo sự mời mọc của người bán thuốc không có chuyên môn y học sẽ nguy hiểm cho người dùng. Người bệnh cần điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ không nên ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ để bệnh chóng khỏi.

Nguyên tắc phòng bệnh

Tránh bị lạnh đột ngột, nhất là lúc chuyển mùa, mưa nhiều, áp thấp nhiệt đới, gió mùa… cần mặc ấm, cố gắng không để hở da, nhất là khi ra khỏi nhà và không nên nằm ngủ trong phòng có máy lạnh.

Ngoài ra, ăn, uống cũng đóng góp khá tích cực trong việc phòng bệnh mề đay tái phát. Người bị bệnh mề đay nên kiêng các loại thức ăn dễ gây bệnh mề đay như tôm, cua, ốc. Không nên uống rượu bia, bởi vì uống rượu bia là các yếu tố thuận lợi cho bệnh mề đay xuất hiện hoặc tái phát. Cần vệ sinh sạch sẽ họng, miệng, răng bằng cách đánh răng, súc họng nước muối sinh lý hàng ngày để tránh mắc các bệnh do vi sinh vật gây ra. Bởi vì, các độc tố của vi sinh vật là một trong các loại dị nguyên lạ đối với cơ thể rất dễ gây dị ứng. Để phòng bệnh mề đay do giun, sán nên tẩy giun định kỳ theo đơn và hướng dẫn của của bác sĩ khám bệnh cho mình.

Lời khuyên của thầy thuốcKhi bị bệnh mề đay cần làm gì? nên hạn chế gãi để tránh gây chảy máu (đặc biệt là trẻ em). Điều này nhằm không để da bị bội nhiễm gây viêm da, mưng mủ, thậm chí gây nguy hiểm như nhiễm trùng huyết làm khó khăn cho việc điều trị; hơn nữa, khi khỏi không để lại sẹo.

TS.BS. BÙI MAI HƯƠNG

Sự thật cần biết về mãn kinh và bệnh tim ở phụ nữ

1. Mãn kinh không gây ra bệnh tim mạch, tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ tại thời điểm mãn kinh như chế độ ăn nhiều chất béo, hút thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn. Điều này cùng với thực tế là cơ thể trải qua sự rối loạn hormon trong thời kỳ mãn kinh làm tăng nguy cơ bệnh tim ở phụ nữ sau mãn kinh.

2. Sau khi mãn kinh, hàm lượng estrogen giảm cũng liên quan tới nguy cơ bệnh tim. Ở độ tuổi 50, hơn 50% trường hợp tử vong ở phụ nữ là do các rối loạn liên quan tới sức khỏe tim mạch. Các biến chứng khác về cơ bản làm chức năng tim trở nên xấu đi và ảnh hưởng tới chất lượng sống.

3. Phụ nữ thường xuyên hút thuốc, bị tiểu đường và huyết áp cao hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh này cùng với có hàm lượng cholesterol xấu sẽ có nguy cơ cao hơn bị bệnh tim sau mãn kinh.

4. Bên cạnh tim, giảm hàm lượng estrogen cũng ảnh hưởng tới xương. Xương có thể trở nên mỏng và dễ gãy. Các yếu tố nguy cơ bệnh tim là đột quỵ, huyết khối trong tĩnh mạch và loãng xương ở những phụ nữ sau mãn kinh.

5. Theo khuyến cáo, phụ nữ ở độ tuổi cuối 40 và đầu 50 nên tuân theo một chế độ ăn uống giàu carbohydrat và protein. Bữa ăn bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm sữa ít béo, gia cầm, cá và các loại hạt là cần thiết cho sức khỏe tim. Hoạt động thể chất ít nhất 1 tiếng là cần thiết để tránh nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đi bộ, đạp xe, nhảy, tập bơi hoặc tập yoga là những hoạt động giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh.

BS Thu Vân

(Theo THS)

Mắc Tay Chân Miệng, bé càng đau càng dễ biến chứng

Ngày 28-11-2017 bé Trần Vĩnh H, 3 tuổi, nhà ở xã Long Bình Điền, Chợ Gạo, Tiền Giang vào bệnh viện khám bệnh vì quấy khóc, không chịu ăn đã ba ngày nay. Bác sĩ khám thấy em sốt nhẹ, nước miếng chảy nhiều, quấy khóc liên tục, lưỡi em có một vét loét to gần đầu lưỡi, lòng bàn tay và bàn chân em cũng có nhiều bóng nước. Bác sĩ chẩn đoán em H bị bệnh tay chân miệng độ hai, nên cho em nhập viện theo dõi. Mẹ em nói hổm rày H bỏ ăn, mỗi lần đút thức ăn vào miệng H đều la khóc, kêu đau nên không biết phải làm sao. Bác sĩ nói sẽ cho thuốc bôi vào miệng bé trước khi cho ăn để tránh đau, và khuyên mẹ nên cho cháu ăn thức ăn lỏng, mềm, không cay, không mặn, không nóng, không chua...để thức ăn không kích thích miệng của cháu làm cháu đau, rát vì bé càng đau thì càng dễ biến chứng nặng như viêm não, phù phổi, suy tim, sốc...

Hình bé H lưỡi bị loét

Hình bé H lưỡi bị loét

Về chuyên môn, các vết phồng nước trong miệng bé khi vỡ ra, các đầu dây thần kinh cảm giác và vị giác bị kích thích mạnh sẽ làm bé rất đau, nhất là khi cho bé ăn thức ăn quá nóng, chua, cay, mặn...Các luồng thần kinh được dẫn lên hệ thần kinh trung ương vốn đang bị vius tay chân miệng tấn công, gây nên tình trạng kích thích hệ thần kinh nội tiết, sản sinh các chất hóa học thần kinh trung gian, tạo nên một tình trạng phản ứng bảo vệ bù trừ ban đầu như co mạch, phân phối lại máu tuần hoàn, lập lại áp lực thẩm thấu,tim đập nhanh, thở nhanh và cuối cùng khi phản ứng bảo vệ quá sức bù trừ của cơ thể làm bệnh nhân suy sụp tuần hoàn, ngừng tim, ngừng thở!.

Để tránh bé bị kích thích đau, bà con nên để bé nghỉ ngơi yên tĩnh, tránh nhiều tiếng động mạnh, không cho ăn những món quá nóng (làm bé phỏng miệng), vị chua (làm miệng bé rát), vị cay (làm miệng bé đau). Khi bé khóc phải vỗ về, an ủi, không la rầy, nhất là không được cạo gió, cắt lể, rơ miệng... làm bé bị đau thì bệnh của bé dễ bị biến chứng hơn. Hãy cho trẻ được ăn những món mà bé thích.

Không nên ép trẻ ăn quá nhiều, thức ăn thật mềm, chế biến dưới dạng chất lỏng mềm như súp, nước ép, cháo, mì…Chỉ cho trẻ ăn khi thức ăn đã nguội để tránh thức ăn nóng chạm vào vết thương trong miệng khiến trẻ bị đau, chia nhỏ thực đơn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Mỗi bữa chỉ nên cho trẻ ăn vừa no, không ép con ăn quá nhiều sẽ khiến trẻ sợ ăn, quấy khóc.

Trong quá trình cho con ăn, cha mẹ hãy bảo vệ bé khỏi những đụng chạm vào vết loét nơi đầu lưỡi bằng cách chọn các loại muỗng không có cạnh sắc để dễ đút. Bổ sung thêm sữa bột, sữa chua, nước trái cây ngọt, bột dinh dưỡng. Súc miệng cho bé bằng nước muối sạch sau khi ăn và nghỉ ngơi khoảng 3- 4h thì ăn bữa khác.

Sau 4 – 5 ngày trẻ đã giảm bệnh và khỏi các triệu chứng ban đầu (nôn, sốt, đau họng…), bà con cho bé ăn theo chế độ dinh dưỡng bình thường, ăn trả bữa thêm vài cử trong ngày để giúp bé lấy lại sức khỏe như trước khi bị bệnh.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC

Phòng ngừa khản tiếng, mất tiếng khi thời tiết chuyển mùa

Hiện nay, môi trường ngày càng ô nhiễm, thời tiết thay đổi đột ngột khiến cho các bệnh đường hô hấp gia tăng nhanh hơn. Đặc biệt, khi thời tiết chuyển mùa, trời đột nhiên nóng hoặc lạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus, nấm mốc phát triển. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới khản tiếng, mất tiếng, triệu chứng điển hình của viêm thanh quản.

Những yếu tố gây khản tiếng, mất tiếng

Con người phát âm được là nhờ vào thanh quản, bao gồm 2 dây thanh đới, khi rung lên tạo nên âm sắc cho giọng nói. Do đó, khi dây thanh bị kích ứng hoặc tổn thương sẽ ảnh hưởng đến giọng nói, gây khản tiếng, thậm chí là mất tiếng.

Thời tiết chuyển mùa gây nên tình trạng khản tiếng, mất tiếng

Viêm thanh quản là do lớp niêm mạc thanh quản bị viêm, dẫn tới khản tiếng, mất tiếng. Đối tượng dễ gặp phải là trẻ nhỏ hay người già do sức đề kháng kém và những người phải nói nhiều hoặc ở lâu ngoài trời do tính chất công việc.

Viêm thanh quản thường xảy ra sau đợt viêm nhiễm của đường hô hấp trên (mũi – xoang, họng), hoặc có thể xuất hiện ngay sau khi bị cảm lạnh với dấu hiệu chính là khản tiếng, mất tiếng đột ngột. Ban đầu, người bệnh cảm thấy nhức đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, họng khô rát, ho khan. Tiếp đến, giọng bị khản, có lúc bị khản đặc, thậm chí là mất tiếng. Viêm thanh quản cấp nếu không được điều trị triệt để sẽ tái phát nhiều lần và dễ chuyển sang giai đoạn mạn tính.

Viêm thanh quản khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi

Biện pháp phòng ngừa và điều trị viêm thanh quản

Để điều trị viêm thanh quản, bác sĩ thường dùng cho bệnh nhân các loại thuốc kháng sinh, giảm phù nề, giảm ho, long đờm khi có bội nhiễm. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thuốc này sẽ gây ra tình trạng nhờn thuốc hoặc bị ảnh hưởng bởi một số tác dụng phụ. Trên thực tế, bệnh nhân cũng tự trang bị cho mình những cách chữa trị đơn giản như: xông hơi, uống nước ấm pha mật ong và chanh, súc miệng bằng nước muối… Tuy nhiên, những công việc này thường tốn khá nhiều thời gian chuẩn bị và không mang lại hiệu quả cao đối với những trường hợp đã bị viêm thanh quản mạn tính.

Thảo Dương

Hiện nay, nhiều người đang tin tưởng lựa chọn các sản phẩm có thành phần thảo dược, cho hiệu quả bền vững, không gây tác dụng phụ để hỗ trợ điều trị những trường hợp bị tổn thương dây thanh. Trong đó, tiêu biểu là thực phẩm chức năng Tiêu Khiết Thanh. Sản phẩm có thành phần chính là rẻ quạt – vị thuốc dân gian được sử dụng rất hữu hiệu trong việc điều trị các bệnh về họng, kết hợp với một số dược liệu quý khác như: bán biên liên, bồ công anh, cây sói rừng… Tiêu Khiết Thanh giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa viêm thanh quản, đặc biệt tốt đối với các trường hợp bị khản tiếng, mất tiếng do phải nói nhiều, phòng ngừa bệnh tái phát.

Năm 2014, Tiêu Khiết Thanh đã vinh dự nhận danh hiệu “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng” do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam trao tặng và giải thưởng “Top 100 sản phẩm, dịch vụ tốt cho gia đình và trẻ em” do người tiêu dùng bình chọn.

Thực phẩm chức năng viên nén Tiêu Khiết Thanh – Giúp giọng nói trong sáng hơn

Viêm thanh quản mạn thường đưa tới khản tiếng, mất tiếng do nhiều nguyên nhân phức tạp như: nghề nghiệp hay phải nói nhiều, nói to, nói liên tục như giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên, người dẫn chương trình, người bán hàng, diễn giả, cổ động viên…; do viêm mũi, viêm xoang mạn, viêm phế quản; những người làm việc lâu trong môi trường ô nhiễm, nhiều bụi, hơi khí kích thích,…

Tiêu Khiết Thanh là thực phẩm chức năng với thành phần thiên nhiên như: rẻ quạt, bán biên liên, bồ công anh, sói rừng có tác dụng giúp ngăn ngừa và giảm các triệu chứng viêm đường hô hấp trên mạn tính như viêm thanh quản, viêm amidan, khản tiếng, mất tiếng, hỗ trợ các biện pháp điều trị tiêu viêm, giúp giảm sưng, giảm viêm thanh quản, giúp làm trong sáng giọng nói.

Để đạt hiệu quả, nên sử dụng Tiêu Khiết Thanh theo từng đợt liên tục từ 3 đến 6 tháng.

Truy cập: http://viemthanhquan.blogspot.com để biết thêm thông tin.

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Chuyên gia cảnh báo: trời lạnh, bệnh hô hấp vào mùa

Bệnh hô hấp gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh

Theo GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc trung tâm hô hấp – BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam cho biết, cứ sau mỗi đợt lạnh, nhất là những đợt lạnh sâu, kéo dài, số bệnh nhân đến khám tại Trung tâm hô hấp tăng lên một cách đột biến. Tuy nhiên không phải ngay lúc trời chuyển lạnh, số bệnh nhân gia tăng mà vào mùa đông, cứ 3-4 ngày sau đợt thay đổi thời tiết, số bệnh nhân đến khám và nhập viện không ngừng gia tăng. Lý giải hiện tượng này, GS Châu cho biết, đó là do khi thay đổi nhiệt độ, trời chuyển lạnh, cơ thể con người cũng cần có một thời gian bị tác động. Với những người sức đề kháng yếu, nhất là trẻ em, người già, người mắc bệnh hô hấp mạn tính bị ảnh hưởng nặng nhất.

GS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Giám đốc trung tâm hô hấp – BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội hô hấp Việt Nam

Bất cứ ai cũng phải thở, khi hít thở, không khí được sưởi ấm và lọc sạch một phần bởi niêm mạc đường hô hấp trên như: niêm mạc mũi họng, trước khi đi vào đường hô hấp dưới (khí, phế quản, phế nang). Hầu hết các bệnh hô hấp có căn nguyên từ virus, vi khuẩn…. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, bộ phận hô hấp đầu tiên bị ảnh hưởng là đường hô hấp trên gây nên viêm mũi, họng, xoang... từ đó, nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm khí, phế quản và phổi, màng phổi, GS Châu cho biết. Ở những bệnh nhân đã có bệnh hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, thời tiết lạnh sẽ làm bệnh nặng thêm, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như khó thở tăng lên, ho nhiều hơn khiến bệnh nhân phải đi khám, nhập viện, thậm chí là phải được cấp cứu.

GS Châu cũng chia sẻ, trong các bệnh hô hấp trẻ hay mắc phải, viêm phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Thận trọng khi sử dụng thuốc trị viêm đường hô hấp

Hiện nay, nhiều người dân vẫn có thói quen tự ý mua thuốc trong đó có cả thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh đường hô hấp . Nguy hại hơn, nhiều người còn sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ để uống, điều này hết sức nguy hiểm. GS Châu cho rằng, việc dùng kháng sinh tùy tiện có thể để lại nhiều hậu quả. Đó là làm vi khuẩn kháng lại kháng sinh, điều này dẫn đế hệ lụy là khi chúng ta mắc bệnh nặng, không thể có thuốc nào chữa được. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi còn gây ra tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng, khiến những người không may mắc bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị.

Ảnh: minh họa

Đó là những hậu quả lâu dài ảnh hưởng tới không chỉ bệnh nhân mà cả cộng đồng. GS Châu còn cho biết, hậu quả trước mắt có thể nhìn thấy được khi một người dùng quá nhiều thuốc là làm cơ thể dễ bị dị ứng, nặng có thể gây sốc phản vệ, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Nên việc dùng thuốc cần hết sức thận trọng, theo sự chỉ định của bác sĩ, không phải trường hợp nào cũng dùng kháng sinh, nhất là với trẻ em, GS Châu khuyên. Như với các bệnh trẻ hay mắc phải như sổ mũi (nước mũi xanh xanh, vàng vàng, đục đục) thì việc rửa mũi rất quan trọng vì sẽ giúp thông thoáng đường hô hấp, giúp trẻ có thể tự khỏi và không cần dùng kháng sinh và đặc biệt là không bị lan ra gây viêm tai, hay xuống phế quản.

Ngay cả những thuốc ho thông thường, người dân cũng cần có kiến thức sử dụng đúng. Trên thị trường có một số chế phẩm giúp loãng đờm, mặc dù đây là thuốc thông thường nhưng cũng cần dùng đúng liều lượng. Khi bị ho, trong đa số các trường hợp không có chỉ định dùng thuốc để ức chế phản xạ ho vì nếu ức chế phản xạ ho thì các chất tiết như đờm, vi khuẩn, virus ứ đọng trong phổi, nên dùng các thuốc để đờm loãng ra thì người bệnh ho khạc dễ hơn, GS Châu tư vấn.

PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc TT Hô hấp – BV Bạch Mai cho biết, với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính, khi trời lạnh dễ gặp các đợt cấp của bệnh, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo các giai đoạn bệnh và tái khám định kỳ để có hướng dẫn điều trị cụ thể chứ không tự ý sử dụng đơn cũ đã được bác sĩ kê và không tự ý mua kháng sinh về điều trị dẫn đến kháng thuốc trong cộng đồng, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng.

PGS TS Vũ Văn Giáp khuyên, khi thấy các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau họng… kéo dài hơn so với bình thường, như ho kéo dài từ 3-5 ngày và kèm theo các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở... thì cần đi khám để được phát hiện và chẩn đoán kịp thời, nhất là những đối tượng là người già và trẻ nhỏ không được chủ quan khi mắc bệnh, cần theo dõi chặt.Để phòng các bệnh viêm đường hô hấp, PGS Giáp cho biết, những người có yếu tố nguy cơ cao như người già, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính cần được tiêm vaccine phòng bệnh, người nghiện thuốc lá cần bỏ thói quen hút thuốc; cần giữ môi trường trong nhà và nơi sinh sống, làm việc thoáng khí, sạch sẽ, tránh ẩm mốc, bụi bặm, để tránh các loại virus, vi khuẩn … gây bệnh. Khi có cảnh báo ô nhiễm môi trường, mọi người dân cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe như đeo khẩu trang, tránh ra đường, nơi ô nhiễm… Mọi người cần có ý thức giữ môi trường để có sức khỏe tốt…

Hải Yến

Mẹo giữ trái tim khỏe mạnh trong mùa đông

Mẹo giữ trái tim khỏe mạnh trong mùa đông

Dưới đây là một số mẹo chăm sóc tim vào mùa đông:

• Giữ cơ thể đủ ấm để không bị hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể dưới 35oC). Các triệu chứng của hạ thân nhiệt gồm thiếu phối hợp, lú lẫn, phản ứng chậm, run và buồn ngủ. Điều này xảy ra khi cơ thể không thể sản sinh đủ năng lượng để giữ ấm cho các cơ quan trong cơ thể. Nó có thể gây tử vong. Vì vậy cần giữ ấm cho cơ thể.

• Để giữ ấm, hãy mặc nhiều lớp quần áo. Ngoài ra, đội mũ hoặc đeo khăn quàng cổ nếu cần. Bảo vệ tai của bạn vì chúng dễ bị tê cóng. Giữ cho bàn chân và bàn tay của bạn luôn ấm vì chúng có xu hướng mất nhiệt nhanh hơn.

• Tìm hiểu các dấu hiệu và triệu chứng của cơn đau tim và lắng nghe cơ thể bạn. Tốt hơn là bạn nên kiểm tra tim một lần trong mùa đông.

• Thời tiết lạnh làm tăng nhịp tim và huyết áp của bạn. Vì vậy, nếu bạn là một bệnh nhân tim, tốt hơn là bạn nên thận trọng và đi khám bác sĩ khi có dấu hiệu bất thường.

• Duy trì vận động nhưng không quá sức. Nếu bạn không vận động vào mùa đông, việc lưu thông máu có thể bị cản trở làm tăng nguy cơ bị huyết khối và dẫn đến đau tim, đột quy. Đi lại vận động ít nhất mỗi giờ và tránh ngồi yên trong thời gian dài.

• Giữ ấm nhà và hạn chế ra ngoài vào buổi tối. Thường xuyên ăn và uống đồ ấm để cơ thể bạn có được năng lượng cần thiết để giữ ấm.

BS Thu Vân

(theo Univadis/THS)

Mùa lạnh phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus

Đây là bệnh thông thường nhưng đáng lo ngại là tình trạng phụ huynh điều trị sai, coi thường hoặc nhầm tiêu chảy mùa đông sang bệnh khác như trẻ bị sốt, quấy do mọc răng, hay bị cảm về đêm..., hậu quả là nhiều bé bị mất nước trầm trọng.

Biểu hiện của bệnh

Sau 1 - 4 ngày bị lây nhiễm virut, trẻ có các biểu hiện của bệnh. Với bệnh này, thông thường trẻ sẽ nôn trước, sau khoảng 1 - 2 ngày thì bắt đầu đi ngoài, có bé thì bị đi ngoài rồi mới nôn. Trẻ bị tiêu chảy nếu không nôn sẽ khỏe hơn vừa tiêu chảy vừa nôn. Hơn nữa, hiện tượng nôn trớ rất bất ngờ, bé đang chơi, ăn uống bình thường nhưng chỉ qua nửa ngày đã có thể có hiện tượng này, cứ ăn cái gì vào là nôn ra cái đó.

Cho trẻ uống vắc - xin là biện pháp phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirrus hiệu quả nhất. Ảnh: H.Hà

Trẻ thường đi ngoài nhiều lần trong ngày (phân màu xanh hoặc màu trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải), phân thường nhiều nước.

Ngoài ra, trẻ có thể ho, sốt, chảy nước mũi nên nhiều cha mẹ dễ nhầm với viêm đường hô hấp, viêm mũi họng.

Trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng bị suy kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong. Chính vì vậy, các phụ huynh không được chủ quan khi thấy những biểu hiện mất nước ở trẻ như: môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc.

Chăm sóc trẻ mắc tiêu chảy cấp tại nhà

Với những trẻ mất nước ở mức độ nhẹ, gia đình hoàn toàn có thể chăm sóc con tại nhà dự phòng mất nước và suy dinh dưỡng, trong đó cần đảm bảo cho trẻ uống nhiều dịch hơn bình thường để đề phòng mất nước như: oresol, nước cháo muối, nước cơm có muối, súp hoa quả hoặc súp gà, súp thịt, nước sạch. Trong đó tốt nhất là bù nước, bù điện giải, tốt nhất là bằng nước oresol. Trên thị trường hiện có nhiều loại dành cho trẻ với hương vị rất dễ uống. Cần lưu ý là pha vào nước theo quy định, không pha loãng hay đặc quá vì nếu không sẽ càng gây rối loạn nước và điện giải, tình trạng tiêu chảy càng nặng hơn, trẻ có thể tử vong.

Cha mẹ nên đút từng thìa

oresol cho trẻ uống, 2 phút một lần, không nên cho bé uống liên tục. Vì uống nhiều và liên tục,

oresol không những không hấp thu vào đường ruột mà lượng nước có thể mất nhiều hơn do bị nôn. Nếu trẻ bị nôn thì dừng lại 10 phút, sau đó cho uống lại với tốc độ chậm hơn.

Giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh tiêu chảy. Ảnh: Đ. Tuấn

Nếu bù nước, điện giải cho trẻ không hợp lý như chỉ cho trẻ uống nước lọc sẽ không hiệu quả, hoặc cho trẻ uống cháo gạo quá mặn, nước hoa quả pha đường. Thậm chí, có cha mẹ cho con uống cả coca, soda và các loại nước có ga cấm dùng cho trẻ tiêu chảy..., khiến bệnh của trẻ càng nặng hơn.

Tiếp tục cho trẻ ăn đề phòng suy dinh dưỡng: Phần lớn trẻ tiêu chảy phân nước sẽ thèm ăn trở lại khi được bù đủ dịch. Vì vậy, trong giai đoạn này, khẩu phần ăn hằng ngày của bé nên được tiếp tục và tăng dần lên. Cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng giúp cơ thể bé chóng bình phục, hồi phục cân nặng và chức năng đường ruột. Tuy nhiên, cần tránh các loại rau sợi thô, củ quả, hạt ngũ cốc nhiều chất xơ vì khó tiêu hóa. Đối với trẻ bú mẹ hoàn toàn, cần cho trẻ bú nhiều hơn và lâu hơn sau mỗi lần bú. Nếu trẻ không bú mẹ hoàn toàn, cho trẻ uống một hoặc nhiều loại dung dịch như đã đề cập ở trên. Tuyệt đối tránh cho trẻ sử dụng các loại nước uống ngọt có đường, nước trà đường, nước trái cây sản xuất công nghiệp vì các dung dịch này có thể làm tình trạng tiêu chảy trầm trọng thêm.

Khi nào cần truyền dịch?

Trẻ bị tiêu chảy, nôn trớ nhưng uống nước oresol, ăn được, chơi bình thường... thì cha mẹ không nhất thiết phải truyền dịch. Nếu bé đi ngoài, nôn nhiều, mệt mỏi, không ăn uống, không chơi, nằm li bì, có hiện tượng mất nước như mắt lõm, da nhăn nheo thì cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện để được truyền dịch kịp thời.

Lưu ý, khi trẻ bị tiêu chảy do virut, cha mẹ tuyệt đối không được cho con uống thuốc kháng sinh, thuốc cầm tiêu chảy vì sẽ làm cho trẻ có nguy cơ bị rối loạn vi khuẩn đường tiêu hóa, giảm nhu động ruột làm bệnh nặng hơn hoặc gây tình trạng tiêu chảy kéo dài, chưa kể các tác dụng phụ do thuốc gây ra.

Bệnh có thể phòng

Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, do đó nếu trẻ bị bệnh nên cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết tiêu chảy để tránh lây lan cho các trẻ khác. Hiện nay phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là cho trẻ uống vắc-xin. Trẻ được uống 2 liều cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ tuần lễ thứ 6 sau khi sinh (tuổi lớn nhất còn có thể uống được vắc-xin phòng Rotavirus là 3 tháng tuổi, tuổi kết thúc uống là 4 tháng tuổi). Sau khi uống vắc-xin lần thứ nhất, cần theo dõi xem trẻ có biểu hiện dị ứng hoặc bất thường để báo ngay với bác sĩ.

Bên cạnh đó, giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh. Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Người chăm sóc trẻ phải rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ.

Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi. Lau rửa sàn nhà và các vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B, lau rửa sàn nhà vệ sinh, bồn cầu sau khi trẻ tiêu chảy đi vệ sinh.

Bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc

Trứng cá nhiễm khuẩn, chữa cách nào?

Nguyễn Mai Phương (maiphuong@gmail.com)

Trứng cá là bệnh lý của tuyến nang lông - tuyến bã. Nguyên nhân gây ra mụn rất phức tạp, đa dạng, vì vậy việc điều trị cần phải kiên trì. Nguyên nhân chủ yếu gây mụn trứng cá: Do tăng tiết quá nhiều bã nhờn, do ảnh hưởng trực tiếp của hormon có tên là androgen (được sản sinh từ tế bào leydid ở tinh hoàn nam giới, ở tuyến thượng thận và buồng trứng của nữ giới). Androgen làm cho tuyến bã phình to ra và tăng cường hoạt động bài tiết chất bã, tăng sừng hóa phễu ở miệng nang lông; Do vi khuẩn Propionibacterium Acnes. Ngoài ra còn do dùng thuốc như dùng corticoid kéo dài, kể cả dùng thuốc bổ máu như vitamin B12; Do tiêu hóa: Ở một số người có tạng đặc biệt, dễ phát sinh nhiều mụn sau khi ăn nhiều chất ngọt, chất béo, cay nóng; Kể cả tình trạng táo bón kéo dài; Dùng mỹ phẩm bừa bãi, chất lượng kém, mỹ phẩm quá hạn, sau trang điểm không tẩy trang đúng cách; Do nghề nghiệp phải tiếp xúc với xăng dầu, hóa chất; Do di truyền, trong gia đình có người bị mụn; Do ảnh hưởng thần kinh như căng thẳng trong công việc, mất ngủ, lo lắng lúc thi cử, chị em đến kỳ kinh nguyệt... Trường hợp của cháu là trứng cá nhiễm khuẩn. Về điều trị bao gồm kháng sinh, kháng viêm, tiêu sừng và ngăn ngừa mụn. Điều quan trọng là phải kiên trì trong điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa da liễu, thậm chí phải điều trị trong nhiều tháng (6-12 tháng). Ngoài ra, cần chú ý vệ sinh da mặt luôn sạch sẽ. Hạn chế và có thể tạm dừng mỹ phẩm trang điểm khi có mụn mủ.

BS. Vũ Lan Anh

Phòng viêm đường hô hấp khi chuyển mùa

Mùa lạnh, nhất là mưa, lạnh, ẩm, rét bệnh đường hô hấp trên (tai, mũi, họng, xoang) dễ xuất hiện và tái phát, trong đó viêm họng, mũi, xoang thường xuất hiện rõ nét nhất. Vì vậy, mùa lạnh đang đến cần chú ý đề phòng.

Thời tiết luôn thay đổi thất thường, trong khi đó, sự thích ứng của con người có hạn. Nhiều khi sự thay đổi thời tiết nhanh quá, cơ thể con người thích ứng không kịp nhất là những người có cơ địa dị ứng, sức yếu (trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, người già, người suy giảm miễn dịch). Một số người do ăn uống kham khổ, quần áo, chăn đệm còn thiếu hoặc không đáp ứng được sự giá rét của lạnh, do đó bệnh viêm họng mũi, xoang dễ xuất hiện. Mặt khác, trong không khí có vô số tác nhân gây bệnh (khói, bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, khí lạ, chất hóa học, vi sinh vật gây bệnh...) có thể xâm nhập đường hô hấp trên bất cứ lúc nào khi sức đề kháng của cơ thể suy yếu gây nên viêm họng, mũi, xoang dị ứng hoặc nhiễm khuẩn.bệnh viêm mũi xoang

Khi có dấu hiệu bệnh viêm mũi xoang cần đi khám để được tư vấn dùng thuốc đúng. Ảnh: TM

Biểu hiện viêm mũi, họng, xoang mùa lạnh

Ở những người có cơ địa dị ứng, niêm mạc mũi, họng, xoang rất nhạy cảm với các chất gây dị ứng, thêm vào đó thời tiết lạnh, ẩm sẽ xuất hiện phản ứng quá mẫn như viêm mũi, họng, xuất tiết, ngứa (ngứa mũi, họng), rát họng. Vì mũi, họng, xoang liên thông với nhau, do đó, một bộ phận bị bệnh rất dễ lan sang các bộ khác.

Biểu hiện của viêm mũi, họng, xoang thường gặp nhất là hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, rát họng, đau nhức vùng mũi, vùng xoang, đau đầu, đau 2 bên thái dương... Trong những trường hợp viêm họng, xoang nhiễm khuẩn thường có biểu hiện sốt (có thể sốt rất cao trong viêm họng cấp do lạnh đột ngột). Với những người bệnh bị viêm mũi, họng, xoang dị ứng, về mùa lạnh bệnh rất dễ tái phát và sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập cũng như giao tiếp, nhất là các trường hợp viêm mũi, xoang dị ứng gây chảy nước mũi, hắt hơi liên tục. Các triệu chứng của viêm mũi, họng có thể tự hết nhưng có thể kéo dài và lan sang xoang gây viêm xoang nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt là viêm mũi, họng nhiễm khuẩn.

Nguyên tắc điều trị như thế nào?

Khi bị viêm mũi, họng, xoang cần đi khám bệnh để được điều trị ngay từ đầu. Người bệnh không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị, bởi vì, có nhiều loại thuốc điều trị viêm mũi, họng, xoang, nếu không có chỉ định của bác sĩ, tự mua theo sự mách bảo của người khác không có chuyên môn về y học sẽ rất nguy hiểm. Ví dụ, thuốc chống dị ứng chlopheniramin, nếu dùng cho người có bệnh hen sẽ làm bệnh hen tăng lên do thuốc có tác dụng làm co thắt phế quản hoặc thuốc đó, dùng cho người bị tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến sẽ gây bí tiểu.

Để phòng bệnh

Lúc chuyển mùa, nhất là lạnh, rét, ẩm, trước tiên phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt vùng cổ. Vì vậy, khi ra khỏi nhà, đi ra đường nên đeo khẩu trang nhằm giữ ấm cho mũi và hạn chế sự xâm nhập của bụi, vi sinh vật. Cổ cần quàng khăn ấm, tay đi găng, chân đi tất và tốt nhất là có giầy. Mùa lạnh, rét cần tắm, rửa bằng nước ấm, ngay cả khi đánh răng. Cần tắm trong buồng kín gió, tránh gió lùa. Trước khi tắm cần chuẩn bị sẵn khăn lau người và quần áo sạch để sau khi tắm xong, nhanh chóng lau khô người và mặc quần áo ngay.

Lời khuyên của thầy thuốc

Hằng ngày cần vệ sinh họng, miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước khi đi ngủ và sau khi ngủ dậy. Nên tập thói quen súc họng bằng nước muối nhạt (nước muối sinh lý 0,9% là tốt nhất) trước khi đi ngủ buổi tối; không nên ăn các loại thức ăn, đồ uống lạnh, nguội. Cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tạo kháng thể tốt chống lại sự viêm nhiễm mỗi khi thời tiết chuyển mùa.

Bệnh viêm mũi, xoang có thể gặp ở tất cả các mùa, nhưng với mùa lạnh sẽ gây ra cảm giác khó chịu nhiều hơn bởi các triệu chứng trở nên kéo dài hơn và sự tái phát cũng diễn ra nhanh hơn. Mũi là cửa ngõ đầu tiên của cơ thể khi tiếp xúc với dòng không khí mang hơi lạnh hoặc hanh khô, vì vậy, mũi là cơ quan “đứng mũi chịu sào” đầu tiên khi gặp không khí lạnh và các tác nhân gây bệnh có ở trong đó, với nhiệm vụ điều tiết, làm ấm, ẩm không khí trước khi chúng đi sâu vào trong và xuống đường hô hấp dưới (thanh, khí quản, phế quản, phổi).

BS. Việt Thanh